Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ sẽ có rất nhiều sự thay đổi lớn, bao gồm cả nội tiết bên trong lẫn hình dáng cơ thể bên ngoài. Chính vì vậy, việc chăm sóc mẹ sau sinh đúng cách, khoa học sẽ giúp sức khoẻ của mẹ được hồi phục nhanh, dẻo dai mà vẫn phải đảm bảo nguồn sữa mẹ đủ dinh dưỡng cho bé.
1. Sự co bóp tử cung:
Sau khi sinh xong, tử cung có dấu hiệu co lại thu hồi lại như hình dáng ban đầu nên sẽ gây ra những cơn đau nhói vùng bụng. Đối với các bà mẹ sinh mổ thì sẽ càng thấy đau hơn vì ảnh hưởng bởi vết khâu mổ. Việc cần làm ở đây là mẹ cố gắng chịu đau một chút, ngày thứ 12 – 13 sau sinh tử cung sẽ co về nằm gọn trong vùng khung chậu. Với những mẹ sinh mổ nên thường xuyên vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý và cồn nhẹ để vết khâu được nhanh liền.
2. Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn:
Vết khâu này xuất hiện ở các mẹ sinh thường, các bác sĩ phải rạch tầng sinh môn để hỗ trợ bé chào đời. Vết khâu này cần được kiểm tra thường xuyên, tránh trường hợp phù nề, tụ máu hay đau nhức có mủ. Hàng ngày mẹ sau sinh nên vệ sinh bằng nước muối sinh lý ấm, thay băng vệ sinh liên tục để tránh tình trạng ẩm ướt kéo dài khiến vết thương lâu khỏi và dễ bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm phụ khoa
3. Sự tiết sữa:
Sau khi sinh khoảng 2 đến 5 ngày, lượng sữa non sẽ đổ về và người mẹ có hiện tượng căng sữa. Mẹ sau sinh sẽ thấy hai bầu vú căng cứng, đau nhức, có thể sốt nhẹ khoảng 38 độ cảm giác rất khó chịu. Khi đó, mẹ có thể massage nhẹ nhàng hai bầu vú, uống thêm nước lá đinh lăng hoặc bồ công anh để tránh bị tắc sữa, đồng thời cho bé bú liên tục, bú đúng cách và vắt sữa dư.
4. Chăm sóc mẹ sau sinh bằng chế độ nghỉ ngơi hợp lý:
Sau khi sinh con, các sản phụ nên nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để cơ thể kịp thời thích nghi với những sự thay đổi mới và tạo sự hồi phục nhanh chóng. Sau 8 đến 24h sau sinh, mẹ nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để máu huyết được lưu thông, và cũng để sản dịch được thoát hết ra ngoài tránh bị ứ đọng lại trong tử cung gây nguy hiểm cho bản thân.
5. Bí tiểu sau sinh:
Nếu gặp trường hợp này, mẹ có thể chườm nóng vào phần bụng dưới để kích thích sự tiểu tiện, đồng thời xoa bụng dưới tạo cảm giác buồn tiểu tiện.
6. Táo bón sau sinh:
Các mẹ tránh táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả rau xanh, những loại quả mát, rau nhiều chất xơ. Nếu bị trĩ có thể dùng thuốc bôi cho đỡ đau.
7. Dinh dưỡng cho mẹ sau sinh:
Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nguồn sữa mẹ, mẹ sau sinh không nên quá kiêng khem nhiều món. Chỉ nên kiêng món lạnh, hải sản tanh, các món gây đầy hơi chướng bụng hoặc các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Chế độ ăn vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm: tinh bột, đạm béo, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra mẹ nên ăn và uống nóng nhằm tăng tiết sữa cho bé bú. Trong thời gian cho con bú, mẹ không nên dùng đồ uống có ga có cồn, hạn chế tiếp xúc với khói bụi khói thuốc lá hoặc các chất hoá học khác. Chỉ sử dụng thuốc uống khi thật sự cần thiết và sử dụng những loại thuốc được bác sĩ chỉ định là dành cho mẹ đang cho con bú, không gây hại và tác dụng phụ cho trẻ sơ sinh.
Uống nhiều nước, ngày khoảng 3-4 lít để tăng tiết sữa, đồng thời ăn nhiều hoa quả rau xanh. Ngoài ra mẹ sau sinh có thể bổ sung thêm thuốc sắt, thuốc canxi hoặc vitamin tổng hợp để cơ thể nhanh chóng phục hồi, bù lại những thiếu sót, đồng thời tiết theo nguồn sữa mẹ cho bú bé cũng được bổ sung các nhóm chất đầy đủ bảo đảm phát triển toàn diện.